điều kiện mở tiệm vàngKinh doanh tiệm vàng không chỉ đòi hỏi các điều kiện chung mà còn phải tuân thủ nhiều quy định pháp lý đặc thù. Hiểu rõ các thủ tục và điều kiện mở tiệm vàng cần thiết là bước khởi đầu quan trọng để doanh nghiệp mở và vận hành tiệm vàng. Trong bài viết này hãy cùng Bảo Tín tìm hiểu nhé!

Điều kiện mở tiệm vàng miếng, bạc, đá quý, trang sức mỹ nghệ

Dựa vào Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, cá nhân hoặc tổ chức muốn tham gia vào lĩnh vực này cần phải đáp ứng các yêu cầu pháp lý tương ứng với từng loại hình hoạt động.

Điều kiện đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất vàng

Để được phép hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vàng, đá quý và các sản phẩm trang sức mỹ nghệ, doanh nghiệp phải đáp ứng hai yêu cầu chính:

  • Doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với ngành nghề liên quan đến sản xuất vàng, bạc, đá quý và các sản phẩm trang sức.
  • Doanh nghiệp phải có cơ sở vật chất, địa điểm hoạt động cố định và đầy đủ các trang thiết bị cần thiết để tiến hành hoạt động sản xuất các sản phẩm vàng, đá quý và trang sức.

Chỉ khi đáp ứng đủ hai điều kiện trên, doanh nghiệp mới được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực này.

Điều kiện đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, mua bán vàng

Để được phép kinh doanh, mua bán các sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ, một doanh nghiệp cần đáp ứng hai yêu cầu chính:

  • Doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với các mã ngành nghề liên quan đến hoạt động mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ.
  • Doanh nghiệp phải có địa điểm kinh doanh cố định, cơ sở vật chất và đầy đủ các trang thiết bị cần thiết để tiến hành hoạt động mua bán các sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ.

Hướng dẫn thủ tục, điều kiện mở tiệm vàng – cách đăng ký kinh doanh tiệm vàng

Để mở một tiệm vàng, bạn bắt buộc phải thành lập một doanh nghiệp, không được phép hoạt động dưới dạng hộ kinh doanh hoặc cá nhân kinh doanh. Trước tiên, bạn cần xác định loại hình doanh nghiệp mà bạn muốn thành lập, tùy thuộc vào vốn điều lệ, khả năng tài chính và quy mô hoạt động của bạn.

điều kiện mở tiệm vàng

Các loại hình doanh nghiệp mà bạn có thể lựa chọn để mở tiệm vàng bao gồm:

  • Công ty cổ phần
  • Công ty hợp danh
  • Doanh nghiệp tư nhân
  • Công ty TNHH (công ty TNHH 1 thành viên, công ty TNHH 2 thành viên trở lên)

Ngoài ra, bạn cũng có thể đăng ký thành lập tổ chức tín dụng để kinh doanh mua bán trang sức vàng, nhưng phải tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến Luật Các tổ chức tín dụng. Các loại hình tổ chức tín dụng bao gồm: ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Hồ sơ đăng ký kinh doanh, mở tiệm vàng trang sức

Khi đăng ký kinh doanh tiệm vàng trang sức, dù chọn loại hình thành lập công ty là gì, các hồ sơ cần chuẩn bị cơ bản bao gồm:

  • Điều lệ công ty
  • Giấy đề nghị đăng ký thành lập công ty, có ghi rõ mã ngành nghề kinh doanh vàng
  • Danh sách cổ đông (nếu là công ty cổ phần) hoặc danh sách thành viên (nếu là công ty TNHH 2 thành viên trở lên)
  • Giấy ủy quyền (nếu người đại diện làm thủ tục không phải là đại diện pháp luật)
  • Bản sao công chứng CMND/CCCD/hộ chiếu của người đại diện pháp luật, các thành viên/cổ đông và người đại diện làm hồ sơ

Một số mã ngành nghề kinh doanh vàng có thể tham khảo như:

  • Mã ngành 4662: Bán buôn kim loại và quặng kim loại (chi tiết: bán buôn vàng, bạc và kim loại quý khác)
  • Mã ngành 4773: Bán lẻ hàng hóa khác mới trong các cửa hàng chuyên doanh (chi tiết: bán lẻ vàng, bạc, đá quý và đá bán quý, đồ trang sức)
  • Mã ngành 4789: Bán lẻ hàng hóa khác lưu động hoặc tại chợ (chi tiết: bán lẻ vàng, bạc, đá quý và đá bán quý, đồ trang sức lưu động hoặc tại chợ)

Cách làm thủ tục mở tiệm vàng trang sức, mỹ nghệ

Sau khi hoàn thành hồ sơ chuẩn bị, bạn có thể nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh tiệm vàng, trang sức, mỹ nghệ theo một trong hai cách sau:

  • Gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu điện VNPost.
  • Nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Trước đây, bạn cũng có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một số địa phương đã ưu tiên tiếp nhận hồ sơ thông qua hình thức trực tuyến và bưu chính để giảm tình trạng quá tải cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân. Vì vậy, bạn nên liên hệ trước với cơ quan đăng ký kinh doanh để xác nhận hình thức nộp hồ sơ phù hợp.

Hướng dẫn thủ tục xin giấy phép kinh doanh vàng miếng (giấy phép con)

Như đã chia sẻ, kinh doanh mua bán vàng là ngành nghề có điều kiện. Do đó, sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chủ tiệm vàng cần tiếp tục thực hiện thủ tục xin Giấy phép kinh doanh vàng miếng (Giấy phép con).

điều kiện mở tiệm vàng

Hồ sơ xin giấy phép kinh doanh, mua bán vàng miếng

Theo quy định tại Thông tư 03/2017/TT-NHNN, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng bao gồm:

  • Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng (theo Phụ lục 02 của Thông tư).
  • Danh sách các địa điểm kinh doanh mua bán vàng miếng, bao gồm trụ sở chính, chi nhánh công ty và các địa điểm kinh doanh vàng miếng.
  • Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã được cấp trong quá trình thành lập công ty.
  • Xác nhận số tiền thuế đã nộp khi kinh doanh vàng trong 2 năm liền kề trước đó, do cơ quan thuế cấp.

Thủ tục xin giấy phép kinh doanh vàng miếng

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, doanh nghiệp nộp trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý ngoại hối).

Nếu hồ sơ đủ điều kiện và hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ gửi thông báo cho chi nhánh Ngân hàng Nhà nước ở địa phương để kiểm tra tính pháp lý về quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng địa điểm kinh doanh vàng, cũng như các điều kiện liên quan.

Trong vòng tối đa 7 ngày làm việc, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước địa phương phải báo cáo kết quả kiểm tra lại cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Sau khi nhận được báo cáo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ xem xét và ra quyết định cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng.

Lưu ý, để quá trình xin giấy phép được thuận lợi, doanh nghiệp cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh vàng.

Điều kiện xin giấy phép kinh doanh tiệm vàng trang sức (giấy phép con)

Điều kiện về cơ sở vật chất

Tiệm vàng phải đáp ứng các điều kiện cơ sở vật chất sau

  • Phải có địa điểm cố định;
  • Tiệm vàng phải có thiết kế ánh sáng hài hòa, và các khu vực trưng bày vàng phải được bố trí ở nơi dễ quan sát, có nhân viên theo dõi.
  • Tiệm vàng phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy.

Điều kiện về trang thiết bị, máy móc

Tiệm vàng cần đáp ứng các điều kiện về trang thiết bị, máy móc sau:

  • Tiệm vàng phải được trang bị đầy đủ các thiết bị cần thiết như tủ kính trưng bày, cân vàng, đèn chiếu sáng, gương các loại.
  • Ngoài ra, tiệm vàng cần lắp đặt các thiết bị bảo vệ an ninh, như camera, hệ thống báo động, máy tính.
  • Cửa hàng cũng phải có thiết bị kiểm tra chất lượng vàng, bạc, đá quý.

Điều kiện về chuyên viên, nhân viên

Cần đáp ứng một số điều kiện sau:

  • Nhân viên làm việc tại tiệm vàng phải có kinh nghiệm trong việc kiểm định chất lượng vàng.
  • Nhân viên cũng cần được đào tạo về kiến thức liên quan đến các sản phẩm vàng của cửa hàng.
  • Tuy nhiên, các tiêu chuẩn về nhân viên sẽ có sự khác biệt tùy thuộc vào loại hình đăng ký kinh doanh và quy mô của tiệm vàng.

Điều kiện về vốn, kinh nghiệm kinh doanh vàng và các yêu cầu về mạng lưới

Điều kiện về vốn, kinh nghiệm kinh doanh vàng và các yêu cầu về mạng lưới được quy định như sau:

  • Vốn tối thiểu để mở tiệm vàng là 100 tỷ đồng, đây là vốn điều lệ cần phải ghi trong hồ sơ đăng ký kinh doanh.
  • Chủ tiệm vàng, chủ doanh nghiệp kinh doanh vàng phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
  • Doanh nghiệp phải có số tiền thuế đã nộp riêng cho hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trong 2 năm gần nhất.
  • Doanh nghiệp phải có mạng lưới chi nhánh và địa điểm kinh doanh vàng tối thiểu ở 3 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên tại Việt Nam.

Trách nhiệm chủ cơ sở kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ nói chung

Các quy định chung mà chủ cơ sở kinh doanh tiệm vàng cần tuân thủ khi thực hiện giao dịch mua bán trang sức vàng, vàng miếng và mỹ nghệ:

  • Tuân thủ quy định về đo lường của pháp luật: Khi giao dịch mua bán các sản phẩm vàng, chủ cơ sở cần đảm bảo việc đo lường khối lượng, hàm lượng vàng tuân thủ đúng quy định.
  • Niêm yết công khai thông tin: Chủ doanh nghiệp cần phải công khai niêm yết tại địa điểm giao dịch về khối lượng, hàm lượng vàng của các sản phẩm, cũng như mức giá mua, giá bán của từng loại vàng trang sức.
  • Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm: Chủ kinh doanh phải chịu trách nhiệm về chất lượng các sản phẩm vàng trang sức, vàng miếng, mỹ nghệ bán ra thị trường.
  • Tuân thủ pháp luật về thuế, kế toán và hóa đơn: Doanh nghiệp phải chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về thuế, kế toán thuế, đăng ký và sử dụng hóa đơn chứng từ phù hợp.
  • Đảm bảo an toàn hoạt động kinh doanh: Chủ cơ sở cần bố trí và duy trì đầy đủ trang thiết bị, giải pháp để đảm bảo an toàn trong suốt quá trình kinh doanh vàng trang sức.

Như vậy, để mở tiệm vàng thì doanh nghiệp cần phải đáp ứng các điều kiện chung và phải tuân thủ và đáp ứng các quy định pháp luật cụ thể liên quan đến hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, được quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP. Thông qua bài việt trên, Bảo Tín đã cùng bạn tìm hiểu chi tiết điều kiện mở tiệm vàng. Nếu bạn có thắc mắc liên quan đến vấn đề trên, hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.

 

5/5 - (2 bình chọn)